Nuôi rươi cho thu nhập ‘khủng’ ở Hải Phòng
Theo ông Phạm Văn Nhiêu, chủ một đầm rươi ở thôn Đông Ninh, X.Tiên Minh, H.Tiên Lãng, sau khi thuê được đất của xã, các hộ nuôi rươi sẽ đào sâu xuống đất khoảng 40-50 cm để xác định khu vực nào có rươi, nếu phát hiện có rươi con mới cải tạo khu vực đó thành đầm nuôi.
“Chúng tôi phải đắp đập, be bờ, đào hệ thống mương dẫn nước từ sông vào đầm. Xây cống điều tiết nước ra vào theo chế độ thủy triều”, ông Nhiêu nói.
Chủ một đầm rươi khác ở thôn Đông Ninh là ông Đào Xuân Mượi cũng cho hay, yếu tố quan trọng nhất của nghề nuôi rươi là điều tiết nguồn nước, vì rươi chỉ sống được ở vùng nước lợ, với nồng độ mặn khoảng hai phần nghìn.
Các hộ nuôi rươi khẳng định, không nuôi con gì nhàn bằng nuôi rươi, trong khi lợi nhuận kinh tế rất lớn. Đầm rươi khi mới cải tạo chỉ cho năng suất 3-5 kg/sào nhưng đến vụ thứ 2 thể đạt 10-12 kg/sào, từ vụ thứ 3 có thể lên đến 20 kg/sào. Một năm có 3 vụ rươi, từ tháng 9-11 âm lịch, mỗi tháng cho thu hoạch 2-3 lần, mỗi lần từ 2-3 ngày. Giá rươi dao động từ 300 nghìn đến 800 nghìn đồng/kg. Như vậy, tùy theo diện tích, người dân có thể thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng một vụ rươi.
Năm nay, xã Tiên Minh là xã có sản lượng rươi lớn nhất H.Tiên Lãng, với tổng diện tích đầm rươi lên tới 22 hecta. Theo bà Phạm Thị Lan, cán bộ phòng nông nghiệp H.Tiên Lãng, hầu hết các xã trên địa bàn có nguồn nước lợ ven các sông Thái Bình, sông Văn Úc đều có rươi, chỉ một số xã không có, như Vinh Quang, Hùng Thắng, Tây Hưng, Bắc Hưng, Đông Hưng và xã Bạch Đằng.
Cũng theo bà Lan, hàng năm các xã có các hộ nuôi rươi báo cáo sản lượng chỉ khoảng 10 tấn/năm, nhưng theo khảo sát thực tế của cán bộ phòng nông nghiệp, sản lượng rươi có thể lên đến 150 tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Miện, Phó phòng nông nghiệp H.Tiên Lãng cho biết: Nuôi rươi không chỉ mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn mà còn giúp bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái ven sông. Sắp tới, phòng nông nghiệp huyện sẽ xây dựng phương án quản lý nghề và hỗ trợ người dân trong việc phát triển ngành nghề này.
Thực tế, ngoài nuôi rươi, các hộ còn thâm canh thêm một vụ lúa chiêm để tận dụng quỹ đất. Việc tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trên vùng đầm rươi đã tạo ra loại lúa “sạch” tuyệt hảo. Nhờ vậy, giá lúa trồng trên đầm rươi thường cao hơn nhiều so với lúa trồng ở ruộng thông thường.