Ăn rươi có tốt không?
Rươi có thể coi là một món đặc sản thơm ngon được nhiều người ưa thích. Rươi là một giống hải trùng, giàu chất đạm. Ăn rươi tốt vì nó có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, với một số trường hợp, cần tránh ăn chả rươi để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Những trường hợp không nên ăn rươi
Những người có bệnh hen tránh ăn rươi vì rươi có chất gây nên cơn hen.
Rươi là loại thực phẩm giàu đạm, đạm trong thịt rươi có nhiều chất khác với đạm trong thịt lợn, thịt bò nên dễ gây dị ứng. Khi ăn rươi, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm như một dị nguyên, ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể.
Những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản, nhộng… nên tránh ăn rươi.
Một số mẹo chế biến món rươi
Để làm món rươi, khâu quan trọng nhất là làm sạch rươi. Rươi ăn bùn, rêu nên thân đầy bùn. Nhiều con bị đứt đoạn hoặc thiếu nước khi ở trong thúng. Sau khi chọn được rươi tươi ngon, thả chúng vào chậu nước rồi vớt ra rổ để ráo. Rươi sau khi ráo nước thì chuẩn bị “làm lông”. Khâu này khá quan trọng vì nếu không làm lông rươi, khi ăn sẽ bị ngứa hoặc rát cổ họng do lông rươi đâm vào.
Cách làm lông rươi cũng khá đơn giản, lấy nước ấm 45 độ C (nhiệt độ thích hợp nhất để làm lông rươi) cho vào một tô to, cho rươi vào rồi dung đũa khuấy nhẹ để cặn bã, chất bẩn, chân rươi nổi lên trên và thoát ra ngoài khe rổ. Sau đó vớt rươi ra và rửa lại nhiều lần bằng nước lạnh rồi để ráo. Như vậy, rươi đã được sơ chế sạch sẽ và sẵn sàng chế biến thành các món ăn thơm ngon.
Khi chế biến rươi thì có một gia vị không thể thiếu đó là vỏ quýt. Vỏ quýt trong Đông Y được gọi là trần bì, có tác dụng làm thức ăn cho người bệnh, người yếu mệt, làm thuốc chữa khát và chữa bệnh thiếu vitamin C.
Khi chế biến cùng rươi, vỏ quýt còn có tác dụng làm dậy mùi rươi và giúp món ăn thanh đạm hơn do trong rươi chứa rất nhiều đạm. Ngoài vỏ quýt – một gia vị không thể thiếu thì khi chế biến các món rươi cũng cần thêm các gia vị như thì là, củ sả, gừng, tỏi, hành khô, hành tươi, khế và một số loại gia vị khác như lá gấc, lá đinh lăng, lá lốt.