Mùa rươi

Hằng năm, cứ đến thời điểm cuối thu, đầu đông, khi những cơn gió heo may mang cái lạnh se se thổi về, người dân ở một số vùng cửa sông ven biển lại xốn xang đón chờ mùa rươi.

Bữa cơm trong những ngày lạnh, có rươi kho, rươi làm chả, mắm rươi…, ngon đến nao lòng.

Về xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng) những ngày cuối tháng 9 âm lịch, không khí nhộn nhịp hẳn lên bởi đang mùa gặt, mùa ra đồng đào chuột, đặc biệt là mùa rươi. Ở đây, từ các bậc cao niên đến những em nhỏ, đều thuộc lòng câu ca “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” (ngày 20 – 9 và 5 – 10 âm lịch) – thời điểm rươi về. 

Mùa Rươi

Rươi là loài vật lạ kỳ. Điều làm người ta ấn tượng nhất là sự chung tình. Cả năm chẳng thấy bóng dáng chúng đâu, nhưng cứ đến hẹn, dù trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh, lại nổi đầy đồng. Ngoài những lúc ra đồng gặt lúa, đi đào chuột, người dân ở đây lại tranh thủ làm vợt, chuẩn bị xô, chậu, rổ… để khi rươi về, thì ra đồng vớt. Được ít thì mang về nhà chế biến món ăn, nhiều đem bán cũng được khoản tiền kha khá.

Người dân trong vùng cho rằng, con rươi có sự liên hệ đặc biệt với con người, luôn gửi tín hiệu báo trước khi nào sẽ về. Chị Phạm Thị Phương, ở xã Ngũ Phúc, tâm sự: Năm nào cũng vậy, khi rươi sắp về, chị cảm thấy mình mẩy đau ê ẩm. Thế nhưng, sau khi ăn miếng chả rươi, tự nhiên hết đau. 

Không riêng chị Phương mà nhiều người cũng gặp phải tình cảnh tương tự, đặc biệt với những người mắc bệnh về xương khớp. Bệnh lạ này được người dân gọi với cái tên hài hước là… “bệnh thèm rươi”, hay “bệnh tương tư rươi”. Dù là “thèm” hay “tương tư”, đó cũng là sự “trả lễ” lại của con người.

Rươi chung tình bao nhiêu thì con người cũng chung tình lại bấy nhiêu… Anh Nguyễn Danh Anh, ở thôn Sơn Đông, xã Ngũ Phúc, cho biết: Trước đây, rươi có ở nhiều nơi trong huyện Kiến Thụy, nay chỉ còn ở 3 xã Tân Trào, Kiến Quốc và Ngũ Phúc, chủ yếu ở vùng đồng ruộng ven khu vực cửa sông. Mặc dù không phải nuôi dưỡng, chăm sóc và đến mùa rươi sẽ nổi, nhưng nếu “phật ý”, rươi sẽ ít đi hoặc biến mất. Có nhà, khi thấy lúa bị sâu bệnh, liền phun thuốc trừ sâu. Đến khi mùa rươi, những ruộng bên cạnh rươi nổi kín mặt nước, còn ruộng nhà mình thì chẳng thấy bóng dáng con rươi nào cả. 

Sau mấy năm cấy lúa không bón phân hóa học và dùng thuốc trừ sâu, thương tình, con rươi lại kéo nhau về. Vì thế, trên những cánh đồng rươi cấy 1 vụ lúa, người nông dân hạn chế dùng phân bón, không được dùng thuốc trừ sâu. 

Sau mùa rươi, thường kéo dài từ cuối tháng 9 âm lịch đến cuối năm, rươi tưởng chừng biến mất. Thực tế, những con rươi nhỏ trốn sâu dưới lớp bùn đất để bắt đầu 1 chu kỳ sinh trưởng mới. Khi này, dùng tay xắn lớp bùn sâu chừng 20 – 40cm, sẽ thấy những con rươi nhỏ bằng cái tăm, dài hơn 10cm. Gần đến mùa, con rươi lớn chừng bằng ruột bút bi. Khoảng 9 – 12 ngày trước khi nổi, rươi dồn sữa lên phần đầu dài 5 – 7cm. Phần này sẽ đứt khỏi phần đuôi mà nổi lên mặt nước.

Xưa, mỗi khi rươi nổi, cả xã như mở hội. Nhà nhà, người người nô nức kéo ra đồng vớt rươi. Bởi, rươi tự nhiên, ai có sức, gặp may thì vớt được nhiều. Ăn không hết thì để rươi trong khay ăn dần hay làm mắm, còn đem bán, ít người mua. Nay, khi con rươi bán được giá, những khu vực có rươi phần lớn được đấu thầu, nên mọi người đi hôi, đi mót trong ruộng hay vớt dọc bờ sông, bờ mương, chẳng được bao nhiêu. 

Thu hoạch rươi theo kiểu vớt, nhặt dần trở nên “lỗi thời”. Các chủ đầm, ruộng rươi giờ khai thác theo cách dùng “đọn”. Khi tháo nước vào ruộng, thấy có rươi nổi, dùng lưới tơ lụa hay lưới phù du chặn ở cửa cống thoát nước. Lúc tháo nước, rươi theo dòng chảy chui vào hết “đọn”, chẳng sót lại mấy con. 

Xốn xang mùa rươi

Một năm có 2 vụ rươi, vụ mùa từ cuối tháng 9 âm lịch kéo dài đến cuối năm, vụ chiêm từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 âm lịch. Vụ chiêm, rươi chỉ có ở ven sông, ít hơn và không ngon bằng rươi vụ mùa. 

Vụ mùa, rươi chia thành 2 loại là rươi đêm và rươi ngày. Rươi đêm (còn được gọi là rươi sâm), chủ yếu lên vào cuối tháng 9 âm lịch. Rươi sâm không nổi hẳn lên trên mặt nước mà đi ngầm, cách mặt nước từ 7 – 10 cm, có màu hơi xanh. Rươi ngày bắt đầu nổi từ tháng 10 âm lịch, nổi trên mặt nước và có màu đỏ. 

Tùy theo con nước mà rươi nổi hay không. Mỗi con nước kéo dài 15 ngày, thường thì con nước này có rươi, con nước sau sẽ không có. Vì thế, trong vụ mùa, chỉ khai thác được khoảng 3 lần. Còn năm “loạn rươi”, con nước nào cũng có rươi, tha hồ khai thác, thu hoạch.

Anh Nguyễn Hữu Cường ở thôn Đông, xã Ngũ Phúc, cho biết: Theo kinh nghiệm dân gian, nếu thấy gió Đông, trời lác đác mưa, là rươi về nhiều. Trước đây, rươi lên theo con nước tự nhiên. Nay, vào vụ mùa, những người có kinh nghiệm có cách bắt rươi phải lên. Bí quyết chủ yếu là tháo kiệt nước để đó. Khi muốn thu hoạch, chỉ cần tháo nước vào, con rươi đủ ngày buộc phải ngoi lên mặt nước.

Ngoài ra, còn có cách nuôi sống rươi chờ khi được giá mới bán. Cách này khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch con rươi còn sống, sau đó cho vào khay, ở giữa đặt 1 cục đá lạnh, thêm một bát con nước và để chỗ râm, mát. Ngày nào cũng phải đem rươi ra rửa lại bằng nước sạch, thay đá, thay nước là có thể sống rươi được hàng tháng. Vì thế, trong những ngày gần Tết Nguyên đán, khi ngoài đồng hết rươi, vẫn có rươi tươi sống làm quà đem biếu bạn bè, người thân ở xa…

 

 

Leave a Reply